Lịch sử Hải_Định

Địa bàn xã Hải Định hiện nay trước đây vốn là hai xã Hải Thành và Hải Thiện thuộc huyện Hải Lăng.

Địa danh Hải Thành xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, đến nay còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...Trong 3 làng chỉ có 2 làng có ruộng là Trung Đơn và Phước Điền và chỉ có 2 làng này đến nay vẫn còn tồn tại quan niệm "tứ tộc: tiền khai canh - hậu khai khẩn", làng Trung Đơn thường gọi là: Hồ - Phan - Hoàng - Lý, còn làng Phước Điền gọi là Dương - Vương - Ngô - Huỳnh.

Xã Hải Thiện hình thành vào khoảng đầu thế kỉ 16 theo khuyến khích của triều đình, gia tộc họ Lê cùng các họ tộc như họ Đặng, họ Bùi, cùng 12 họ khác vào đây, khai hoang và lập làng. Họ Lê được cho là bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hóa, cứ vào dịp tảo mộ (khoảng cuối năm âm lịch) con cháu ở xã Hải Thiện thường cho người về Thanh Hóa để làm lễ.

Trước khi sáp nhập, xã Hải Thành có diện tích 5,90 km², dân số là 1.904 người, mật độ dân số đạt 323 người/km², có 3 làng: Trung Đơn, Phước Điền, Kim Sanh. Xã Hải Thiện có diện tích 12,80 km², dân số là 3.008 người, mật độ dân số đạt 235 người/km², có 5 thôn: 1 (xóm Quý), 2 (xóm Phú), 3 (xóm Hoà), 4 (xóm Thuận), 5 (xóm Thanh và xóm Cồn Đống).

Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 832/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020)[1]. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của hai xã Hải Thành và Hải Thiện thành xã Hải Định.